1000&530;100&100
5 điểm nhấn nổi bật của thương mại điện tử Việt Nam năm 2014
5 điểm nhấn nổi bật của thương mại điện tử Việt Nam năm 2014
22/01/2015 21:55
Mời bạn cùng chúng tôi nhìn lại 5 điểm nổi bật của thương mại điện tử trong năm 2014 vừa qua

1. Các công ty nước ngoài liên tục “rót tiền” khai thác thị trường trong nước

Rocket Internet (công ty chủ quản Lazada.vn, Zalora.vn, Lamido.vn) và 701Search (công ty chủ quản ChoTot.vn) là hai gương mặt đại diện nổi bật của làn sóng các công ty nước ngoài liên tục chi trả mạnh tay cho các hoạt động marketing, khai thác và phát triển thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Độ phủ rộng của Lazada.vn và ChoTot.vn trên tất cả các kênh từ digital đến TVC quảng cáo trên tivi, kết hợp cùng các hoạt động offline bên ngoài cho thấy quyết tâm chinh phục thị trường Việt Nam của các công ty đầy tham vọng này.



Điều này mang đến tín hiệu có hai chiều khác nhau với TMĐT trong nước. Về mặt tích cực, các công ty nước ngoài có nguồn vốn lớn và vững mạnh đủ để tạo niềm tin và tạo ra thói quen tiêu dùng trực tuyến cho người tiêu dùng Việt Nam. Về mặt hạn chế, các công ty TMĐT trong nước phải chấp nhận một cuộc chơi lớn với mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều lần so với trước đây.

2. “Ông lớn” trong nước: người phấn khởi chiến đấu, người lặng lẽ từ bỏ TMĐT

2014 cũng là năm chứng kiến hình ảnh đối nghịch thú vị của các “ông lớn” Internet Việt Nam đối với thương mại điện tử. Những tưởng có lượng người dùng lớn, số lượng người dùng chi trả vào dịch vụ game không nhỏ, hệ thống thẻ cũng như nhiều kênh truyền thông nội bộ lớn mạnh… là những điểm có thể khiến cho VNG tự tin hơn trong lĩnh vực khó khăn này. Trong năm 2013 và 2014, VNG đã có quyết định đóng cửa Zing Deal, ngưng hoạt động 123.vn, bán sản phẩm 123mua.vn cho Sendo.vn, giải tán bộ phận thương mại điện tử và chỉ giữ lại cổng thanh toán 123Pay. Có lẽ, sau một thời gian thử sức với TMĐT, VNG đã nhận ra phải quay trở lại phát triển sản phẩm cốt lõi dựa trên nền tảngmạng xã hội kết hợp cùng game, định hướng công ty trong tương lai tiến đến nền tảng di động.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Sen Đỏ, trực thuộc tập đoàn FPT, công ty chủ quản Sendo.vn lại có cái nhìn lạc quan hơn với TMĐT. Công ty Cổ phần Sen Đỏ mua lại 123mua.vn, giữ website hoạt động độc lập nhưng sáp nhập hoạt động nội bộ vào Sendo.vn. Những ngày cuối năm 2014, Sen Đỏ công bố thông tin đầu tư chiến lược bởi 3 tập đoàn Nhật Bản. Tuy tổng số tiền đầu tư không quá lớn nếu so sánh với lượng tiền mà Rocket Internet và 701 Search đã bỏ ra trong những năm qua tại Việt Nam nhưng Sen Đỏ tận dụng được nhiều lợi thế từ tập đoàn FPT: các kênh phương tiện truyền thông uy tín với lượng độc giả khổng lồ, hệ thống quảng cáo thông minh, nền tảng công nghệ vững mạnh được tích luỹ qua nhiều năm kinh nghiệm phát triển sản phẩm cho nước ngoài.

Công ty Cổ phần VCCorp cũng đã bắt đầu tái cấu trúc nội bộ, quyết định đầu tư mạnh cho lĩnh vực TMĐT trong nửa cuối năm 2014 và năm 2015; sẽ phát triển kinh doanh TMĐT theo một cách riêng, không theo trào lưu mà các đơn vị khác đang theo đuổi, đặt tên dự án TMĐT là Zamba. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Quảng cáo trực tuyến 24h cũng bắt đầu gia nhập sân chơi chung trong thầm lặng với sản phẩm Deca.vn. Chưa kể đến sự tham gia của các công ty khác như BKAV - một thương hiệu được biết đến nhiều gắn với lĩnh vực bảo mật - cũng thử sức mình qua dự án Vala.vn.

3. VinGroup đầu tư mạnh vào TMĐT với dự án VinEcom

Cái tên VinEcom đã trở thành tâm điểm của dư luận trong và ngoài ngành TMĐT khi đó là dự án được đầu tư bởi tập đoàn VinGroup. Theo nguồn tin không chính thức, tổng số tiền mà VinGroup đầu tư vào dự án này lên đến 50 triệu đô-la với tham vọng chinh phục vị trí số 1 trong thời gian ngắn nhất sau khi ra mắt.

Tuy nhiên cho đến nay, đã gần tròn một năm kể từ bắt đầu dự án VinEcom, những sản phẩm nào sẽ được chào sân vẫn còn là một ẩn số lớn. Chưa kể các tin đồn về sự không rõ ràng trong cơ chế quản lý, tuyển dụng người tài ồ ạt nhưng không tận dụng được nguồn nhân lực đó, dẫn đến chuyện tuyển dụng và sa thải liên tục, loay hoay khi đưa ra chiến lược sản phẩm và kinh doanh… Dần dà, những tin tức về VinEcom không còn gây hứng thú đối với người trong ngành.

4. Đóng góp của các công ty cung cấp hạ tầng hỗ trợ: thanh toán, chuyển phát 

Trong khi các công ty tư nhân hoạt động theo mô hình ví điện tử đang phải chờ đợi giấy phép hoạt động chính thức sau thời gian thử nghiệm, thì Công ty Cổ phần Dịch vụ Thẻ Smartlink, được thành lập bởi Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và 15 Ngân hàng TMCP khác liên tục có nhiều hoạt động nhằm khuyến khích người dùng sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến, từ việc chuyển tiền liên ngân hàng thông qua hệ thống Smartlink, đến mua vé máy bay nước ngoài, đặt phòng khách sạn,… Với hệ thống Smartlink, người dùng có thể dễ dàng sử dụng thẻ ATM nội địa để thực hiện mua sắm và thanh toán trên mạng.


Năm qua còn phải kể tới sự vào cuộc rất tích cực của các công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát. Bộ mặt chuyển phát dành cho các website TMĐT cũng đạt được nhiều tiến bộ. Không chỉ có sự nhanh nhạy của những công ty nhân mà các doanh nghiệp chuyển phát nhà nước cũng tự thay đổi và cải tổ rất nhiều. Chỉ cần nhìn vào số liệu thống kê chính thức hoạt động chuyển phát từ Ngày mua sắm trực tuyến OnlineFriday là bạn có thể thấy điều này:
- Tổng số đơn hàng: 50.535
- Số đơn hàng giao thành công: 83,54%
- Tỉ lệ tăng trưởng đơn hàng trung bình: 160%
- 90% doanh nghiệp TMĐT giao hàng đúng cam kết

5. Bộ Công Thương có nhiều động thái tích cực khuyến khích phát triển TMĐT

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA) thuộc Bộ Công Thương trong năm qua đã có nhiều động thái tích cực khuyến khích các doanh nghiệp phát triển TMĐT dưới nhiều hình thức khác nhau. Các buổi hướng dẫn thông tin về hành lang pháp lý, chia sẻ cách thức đăng ký hoạt động TMĐT, kỹ năng ứng dụng TMĐT ngày càng được nhân rộng không chỉ đến với doanh nghiệp tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mà còn được phổ biến rộng rãi đến tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Ngoài ra, chương trình OnlineFriday – Ngày mua sắm trực tuyến 2014 do VECITA phối hợp cùng Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) tổ chức đã thu hút sự quan tâm từ cộng đồng người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Cục và Vecom còn cởi mở đón nhận ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp TMĐT cũng như người tiêu dùng nhằm hướng đến một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh./.

(Nguồn: http://www.vecita.gov.vn/)
Doanh nghiệp tiêu biểu
Đăng ký nhận tin

Mã bảo vệ:     +     =  
Nhập địa chỉ email Email không hợp lệ Email này đã tồn tại Nhập mã bảo vệ Mã bảo vệ không đúng Đang gửi... Gửi thành công! Gửi thất bại!
Tỷ giá vàng
LoạiMuaBán
( Nguồn )
Tỷ giá ngoại tệ
Loại Giá
( Nguồn )